Kết cuộc Trận_Zorndorf

Trận Zorndorf là một trong những trận đánh khốc liệt nhất trong Chiến tranh Bảy năm, đã gây thương vong nặng nề cho cả hai phe tham chiến.[20] Thiệt hại của phía Phổ lên đến 355 sĩ quan và 12442 binh lính, chiếm gần 1/3 lực lượng Phổ tham gia trận đánh. Quân đội Nga cũng chịu nhiều tổn thất, với 6 nghìn người chết và bị thương, cộng thêm 12 nghìn người bị bắt làm tù binh. Không những thế, quân Nga đã mất 53 nghìn đồng rúp khi lính khinh kỵ Phổ cướp phá các rương tiền của họ.[25] Tuy nhiên, Nga có dân số lớn nên dễ bù đắp thiệt hại hơn, còn Phổ đã nhỏ bé, dân cư thưa thớt lại còn phải chống nhiều kẻ thù khác như Áo, Thụy Điển, Pháp, nên Phổ chịu bất lợi nhất.[26]

Trận Zorndorf là một trải nghiệm chua chát của quân đội Phổ thời Friedrich, họ chưa từng gặp một kẻ thù nào lì lợm, gan dạ và dai sức như Nga. Từ chiều, tướng Nga Fermor không chịu nổi áp lực trận đánh, đã rời sở chỉ huy và thả quân sĩ tự xoay xở (sau này, Fermor kể là lúc đó ông ở Quartschen để chữa trị vết thương, nhưng có người kể đã nhìn thấy ông ở cách làng đó vài dặm). Tuy nhiên, quân Nga phải kiên cường chống đỡ mọi đợt tấn công của địch tới tận đêm. Lúc 6h, đội hình quân Nga đã bị dày vò, cấu xé rất nhiều nhưng vẫn không tan vỡ. Công sứ Anh tại Phổ Andrew Mitchell thuật lại cảnh tượng "rùng rợn và đẫm máu", khi "cả vùng nông thôn cháy rực quanh chúng tôi", và nghĩ rằng quân Phổ sẽ bị tê liệt hoàn toàn nếu không có sự điềm tĩnh và can đảm của Friedrich. Mitchell còn mô tả quân Nga chiến đấu "như quỷ hiện hình".[26]

Ở góc độ chiến thuật, trận Zorndorf đã kết thúc với bế tắc cho quân đội Phổ và Nga. Tuy hai phe đã hao tổn rất nhiều xương máu nhưng không bên nào đẩy được đối phương ra khỏi trận địa. Hôm sau (26 tháng 8), lo liệu rằng một trận đánh nữa sẽ bùng phát, Friedrich dẫn kỵ binh trinh sát về hướng làng Zorndorf. Quân kỵ binh Phổ đã đánh bại một số đơn vị khinh kỵ Nga và Kozak, nhưng khi áp sát Zorndorf họ gặp phải hỏa lực mạnh của pháo binh Nga. Friedrich phải rút kỵ binh lên hướng bắc Langer-Grund để bảo toàn lực lượng.[20] Pháo binh hai bên bắn phá liên tục trong suốt ngày 26, nhưng một trận đánh thứ hai đã không xảy ra và vào lúc 11h tối, Fermor tổ chức rút lui có trật tự về hướng đông bắc. Để tránh bị truy kích, Fermor đã cho pháo kích vào một số địa điểm trên trận tuyến quân địch. Đợt pháo kích này cùng với làn sương khói bốc lên từ sông Oder đã tạo điều kiện cho quân Nga rút lui an toàn khỏi trận địa. Thoạt tiên Fermor thu quân về Klein-Klamin, sau đó ngày 31 tháng 8 quân Nga lui về Landsberg và từ đây họ dần dần triệt thoái về lãnh thổ nước chư hầu Ba Lan. [27]

Friedrich từng mơ ước trận Zorndorf này sẽ là một Leuthen thứ hai, một thắng lợi quân sự quyết định loại Nga khỏi vòng chiến. Trận Zorndorf kết thúc khi ý đồ này hoàn toàn tan vỡ. Mặt khác, quyết định rút quân của Fermor đã biến trận Zorndorf thành một thắng lợi chiến lược đắt giá của quân đội Phổ, vì nó đặt dấu chấm hết cho các nỗ lực của người Nga nhằm đánh chiếm vùng trung tâm Berlin-Brandenburg trong năm 1758.[1][26] Sự phá sản của chiến dịch tấn công Berlin-Brandenburg cũng giúp Friedrich rảnh tay đối phó với các nước khác trong liên minh chống Phổ. Ngày 26 tháng 8, quân đội Áo và chư hầu Đức do thống chế Leopold von Daun chỉ huy xâm nhập vùng Sachsen trên mạn tây bắc Phổ. Lực lượng Phổ tại Sachsen chỉ có khoảng 2 vạn người. Do vậy, ngày 2 tháng 9 Friedrich tức tốc hành quân về Sachsen, để lại 17 nghìn quân do Dohna chỉ huy trấn giữ mạn Brandenburg. Quân Phổ của Dohna đã truy kích quân Nga và đánh một số trận nhỏ với họ cho đến khi toàn bộ lực lượng Nga về đến Ba Lan vào cuối tháng 9.[20][28]